Nguyên nhân ô tô máy yếu, rung cần số và cách khắc phục
Sau một thời gian vận hành thì động cơ xe bị yếu đi là tình trạng vẫn thường thấy ở các dòng xe ô tô hiện nay, vậy có cách nào để khắc phục không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Hầu hết các mẫu ô tô sau khi sử dụng một khoảng thời gian dài đều sẽ có dấu hiệu yếu hơn, hoạt động cũng không được mượt mà và nhanh nhạy như lúc mới mua. Khi gặp những vấn đề nặng hơn tài xế thường phải mất một khoản lớn để đi bảo trì, bảo dưỡng xe.
Trong thực tế, động cơ của xe yếu dần đi cũng dễ dàng nhận thấy qua nhiều biểu hiện khác nhau, và nếu tình trạng này tiếp diễn quá lâu sẽ khiến cho độ bền của xe nhanh chóng bị giảm sút và sẽ rất dễ hỏng hóc, thậm chí là hư hỏng nặng cần thay mới với chi phí đắt đỏ. Trong nhiều trường hợp như khi lên dốc, động cơ xe quá yếu sẽ gây ra tình trạng chết máy giữa chừng, rất dễ gây ra tai nạn cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng của những thành viên trong xe.
Theo nhiều báo cáo, ở các mẫu xe đời cũ thì bộ chế hòa khí cùng hệ thống bơm nhiên liệu là hai chi tiết ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của bộ động cơ. Sau thời gian sử dụng, các tạp chất khiến cho ống dẫn xăng hay đường khí nạp bị tắc thì động cơ cũng sẽ yếu dần. Với các xe đời mới thì khí được nạp bằng các chức năng điện tử, giúp giảm thiểu tình trạng hao mòn động cơ như trên thế hệ cũ.
Chính vì thế việc động cơ yếu dần có thể là sự sụt giảm về chất lượng của rất nhiều chi tiết khác nhau, vậy đâu là những biểu hiện của động cơ xe đang yếu dần?
Nguyên nhân dẫn đến động cơ bị yếu dần
Tình trạng động cơ yếu dần có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu xe rung lắc dữ dội, mất lực, có cảm giác máy cực kỳ yếu, cần số rung lắc và khi tăng tốc sẽ gặp khó khăn và đặc biệt là có mùi xăng nặng thì nguyên nhân có thể do xilanh của động cơ không hoạt động, tình trạng này vẫn thường được gọi là tình trạng bỏ máy.
Vấn đề này có thể do nhiều yếu tố khác nhau như hệ thống đánh lửa và cấp nhiên liệu vào xilanh gặp vấn đề hoặc không đủ tỷ suất nén. Nếu gặp trường hợp này, bạn cần xác định liệu xilanh có còn hoạt động không bằng cách tháo lần lượt các đường cao áp ra khỏi bugi và quan sát độ rung của máy khi nổ. Nếu xilanh gặp vấn đề, máy sẽ bị rung lắc rất mạnh. Tiếp đó hãy tháo dây cao áp của từng xilanh và tiếp tục quan sát, nếu sau khi rút ra mà động cơ giật nhẹ thì chứng tỏ động cơ không có vấn đề còn nếu giật mạnh như khi chưa rút dây cao áp thì chứng tỏ xilanh đang gặp vấn đề.
Tuy nhiên việc tự tháo lắp dây cao áp khi động cơ đang chạy tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nhau, có thể khiến bạn bị giật. Chính vì thế bạn cần đảm bảo an toàn bằng việc đeo găng cao su và đầu đây không được tiếp xúc với kim loại, nhưng cách an toàn nhất vẫn là tắt hẳn động cơ, tháo đây xong và khởi động lại rồi mới tiến hành quan sát.
Nếu xe bị lỗi do bugi hay dây cao áp thì chủ xe có thể tự xem xét sửa chữa nếu có kiến thức nhất định về vấn đề này, cũng cần tuân thủ các yêu cầu về an toàn khi mở máy xe để tiến hành khắc phục. Còn nếu là do nguyên nhân khác thì chủ xe nên mang xe đến các gara uy tín để kiểm tra và kịp thời khắc phục, không nên tự mày mò sẽ dễ khiến cho xe bị hư hỏng nặng thêm.
Những biện pháp khắc phục
Sau đây là một số lưu ý giúp bạn khắc phục tình trạng máy xe bị yếu một cách hiệu quả.
Thay thế lọc gió
Việc lọc gió bị hư hỏng hoặc bám nhiều bụi bẩn sẽ khiến cho oxy không được bơm đủ vào buồng đốt, từ đó khiến cho động cơ yếu dần đi. Nếu bạn ở trong khu vực đường xá nhiều bụi thì trường hợp này rất dễ xảy ra, hãy cố gắng vệ sinh lọc gió từ 3-6 tháng và thay thế theo chu kỳ mà nhà sản xuất đã khuyến cáo kể từ lúc mua xe.
Bảo dưỡng xe định kỳ
Bảo dưỡng xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất là việc nên làm để giúp động cơ xe hoạt động trơn tru, bền bỉ và mượt mà trong khoảng thời gian dài sử dụng. Cần lưu ý lựa chọn các gara uy tín và chất lượng để đảm bảo về linh phụ kiện không bị tráo đổi cũng như các loại dầu rõ nguồn gốc, chính hãng.
Kiểm tra lọc nguyên liệu
Kiểm tra bộ lọc xăng cũng là một điểm cần lưu ý, tình trạng động cơ bị yếu đôi khi do bộ lọc xăng của xe không được vệ sinh sạch sẽ, sau thời gian dài những cặn bẩn sẽ bám lại và khiến cho bơm xăng bị tắc khiến cho động cơ xe phải hoạt động quá sức do nguyên liệu bị thiếu hụt.
Chính vì thế hãy cố gắng kiểm tra bộ phận lọc nhiên liệu thường xuyên và nếu phát hiện thấy cặn bẩn thì hãy vệ sinh thật sạch, bên cạnh đó cũng nên kiểm tra cả bình nhiên liệu xe có bị đóng cặn bẩn không.
Cẩn thận xăng lẫn tạp chất
Trên thực tế, việc bình chứa xăng hay bộ phận lọc xăng bị bám bẩn dẫn đến động cơ bị ảnh hưởng là điều thường thấy, vù khu vực này là nơi chứa và vận chuyển xăng, nếu xăng lẫn tạp chất thì sẽ khiến cho những vị trí này sẽ bị bám bẩn và ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ. Chính vì thế hãy cẩn thận với những cây xăng không được kiểm định, chỉ đổ xăng ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo an toàn.