Năm 1978, Mercedes-Benz W116 (S-Class) trở thành mẫu xe sản xuất đầu tiên thế giới được trang bị hệ thống ABS điện tử cho cả 4 bánh do đối tác Bosch cùng phát triển.
Trong các hệ thống an toàn trên xe ô tô ngày nay, có lẽ hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-Lock Brake System) là hệ thống được được trang bị phổ biến nhất, gần như là tiêu chuẩn trên xe hơi, xe máy được nhiều người biết đến. Năm 2018 là mốc son kỷ niệm 40 ứng dụng, triển khai hệ thống ABS trên các dòng xe của Mercedes-Benz. Năm 1978, Mercedes-Benz W116 (S-Class) trở thành mẫu xe sản xuất đầu tiên thế giới được trang bị hệ thống ABS điện tử cho cả 4 bánh đầu tiên trên thế giới.
Trước đó, hệ thống chống bó cứng phanh được phát triển bởi các kỹ sư Pháp vào năm 1929 cho một ứng dụng cho ngành công nghiệp hàng không và ngành đường sắt. Cũng có nhiều nhà khoa học muốn áp dụng cho xe hơi nhưng không thể giải quyết được những yêu cầu cao về cảm biến, xử lý tín hiệu và kiểm soát.
Mãi đến năm 1953, ông Hans Scherenberg kỹ sư người Đức, sau đó đứng đầu thiết kế tại Mercedes-Benz đã xin cấp bằng sáng chế về một hệ thống để ngăn chặn sự bó kẹt bánh xe khi phanh. Tuy nhiên thời điểm này chính những chuyên gia của Mercedes-Benz cũng chưa giải quyết được triệt để những bài toàn về hệ thống chóng bó cứng phanh.
Việc trao đổi kiến thức chuyên sâu liên tục giữa nhóm Nghiên cứu & Phát triển của Mercedes-Benz do Hans Scherenberg đứng đầu với đối tác Bosch đứng đầu là chuyên gia điện tử Heidelberg Teldix đã mang lại kết quả “khả quan” vào năm 1966. Sự thành công bước đầu đã đến với Mercedes-Benz và Bosch vào năm 1970, khi Hans Scherenberg đã trình bày hệ thống chống bó cứng phanh cho giới truyền thông với nguyên lý hoạt động gần giống ngày nay nhất, có tên gọi là “Mercedes-Benz/Teldix Anti-Bloc” tại đường thử ở Untertürkheim.
Việc ra mắt vào năm 1970 trước truyền thông thế giới cho thấy hệ thống đã hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà phát triển nhận ra rằng hệ thống chống bó cứng phanh vẫn chưa hoạt động hoàn hảo ở một số trường hợp nhất định. Các chuyên gia của Bosch đề xuất nghiên cứu và phát triển một bộ điều khiển kỹ thuật số giúp cho hệ thống ABS đáng tin cậy hơn, ít phức tạp hơn nhưng lại hiệu quả hơn hệ thống hiện tại lúc bấy giờ. Kỹ sư Jürgen Paul, người đứng đầu dự án ABS tại Mercedes-Benz ủng hộ đề xuất này của Bosch và cùng bắt tay nghiên cứu. Đây được xem là thế hệ thứ hai của hệ thống ABS.
Cuối cùng vào tháng 8/1978, cũng tại Untertürkheim, Mercedes-Benz và Bosch đã giới thiệu hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên mẫu xe thương mại đầu tiên trên thế giới. Nguyên lý hoạt động hệ thống ABS thời điểm đó không khác nhiều so với các hệ thống ABS ngày nay “Nhờ vào các cảm biến vận tốc thành phần đặt dưới bánh xe, ABS sẽ nắm bắt được vận tốc quay của các bánh xe, qua đó phát hiện khi các bánh xe có hiện tượng bị “bó cứng” khi người lái đạp phanh đột ngột, dẫn tới hiện tượng bị trượt khỏi mặt đường. Khi một số bánh xe rơi vào tình trạng bị trượt, gây ra sự mất kiểm soát. Lúc này, hệ thống ABS sẽ thực hiện động tác nhấp – nhả thanh bộ phận kẹp trên phanh đĩa khoảng 15 lần mỗi giây, thay vì tác động một lần cực mạnh khiến bánh có thể bị bó cứng gây trượt bánh.”
Phải mất hai năm sau khi ra đời công nghệ ABS thì Mercedes-Benz mới đưa vào cung cấp như một tùy chọn ABS trong mỗi chiếc xe ở thời điểm năm 1981. Đến năm 1992 thì tất cả các xe Mercedes-Benz đều có hệ thống ABS như là một tiêu chuẩn.
Bên cạnh hệ thống ABS, các cảm biến tốc độ sử dụng trong hệ thống ABS và các thành phần khác, cũng được sử dụng bởi các hệ thống mới như Acceleration Skid Control (1985), ổn định thân xe điện tử ESP (1995), hệ thống hỗ trợ phanh BAS (1996) và kiểm soát hành trình thích ứng ACC Distronic (1998).
Như vậy, Mercedes-Benz và Bosch đã tạo nên sự khác biệt lớn góp phần hạn chế tai nạn do hiện tượng bó cứng khi phanh và góp phần tạo “tiền đề” về chuẩn mực an toàn mới cho những chiếc xe hơi ngày nay.