Trời nồm ẩm, xử lý thế nào khi kính lái bị mờ hơi nước?
Dân trí Kính lái bị mờ do hơi nước, do sương lạnh hay đơn giản là chênh lệch nhiệt độ khi thời tiết có độ ẩm cao hay vào trời mưa rét… thì nên xử lí như thế nào là hiệu quả nhất?
Có khá nhiều cách làm theo kinh nghiệm của người lái xe, kể cả việc… dùng khăn để lau; tuy nhiên, khi sản xuất ôtô, tất cả các tình huống này đã được lường trước bằng các thiết bị hỗ trợ, mà nếu không để ý, sẽ có nhiều người lái bỏ qua các tính năng này.
1. Sử dụng hệ thống sấy kính:
– Hầu hết các mẫu xe đời mới hiện nay đều đã được trang bị tính năng này, hỗ trợ người lái giữ được tầm quan sát. Hầu hết các mẫu xe hiện nay đều có cả hệ thống sấy kính lái và kính hậu; và chỉ có các mẫu xe hạng sang, đắt tiền mới có thêm hệ thống sấy gương chiếu hậu ngoài.
Nút điều khiển sưởi kính chắn gió trước/sau trên ôtô thường bố trí gần hệ thống điều hòa
Kí hiệu trên nút bấm sưởi kính chắn gió trước
Kí hiệu sưởi kính chắn gió sau
– Nút bấm hệ thống sưởi kính chắn gió trước/sau thường được bố trí trên bảng điều khiển trung tâm, gần với hệ thống điều hòa, với kí hiệu riêng biệt (ảnh minh họa trên) và khi kích hoạt sẽ có đèn báo bật sáng (nếu đèn báo không sáng là hệ thống không hoạt động đúng thiết kế).
Thông thường, ở các mẫu xe có hệ thống điều hòa tự động, các tính năng này sẽ tự động tắt sau một khoảng thời gian nhất định (10-15 phút theo thiết kế); nếu không, bạn hãy nhớ để tắt chức năng này sau khi đã xử lí hết hơi nước để tránh việc hệ thống điện phải hoạt động quá tải hay tối ưu hóa nhiên liệu và hệ thống điều hòa.
2. Sử dụng hệ thống điều hòa:
– Việc đầu tiên lưu ý là không nên dùng điều hòa nóng để xử lí hơi nước trên kính bởi tình trạng ngưng tụ hơi nước trên kính chắn gió là do sự chênh lệch nhiệt độ bên trong xe và môi trường. Hãy sử dụng điều hòa lạnh và chế độ đường gió hợp lí.
– Lựa chọn chế độ đường gió thổi lên kính chắn gió (nút điều khiển chế độ đường gió có ngay trên hệ thống điều hòa của xe), sử dụng cấp gió và nhiệt độ hợp lí bởi nếu để quá lạnh, rất dễ bị khiến kính bị động nước ở bên ngoài.
3. Cân bằng nhiệt độ trong và ngoài xe:
– Hé kính xuống khoảng 10-15cm: Một cách đơn giản và không… tốn xăng khi giúp cân bằng nhiệt động trong/ngoài xe, tránh bị đọng nước. Tuy nhiên, nếu như lái xe trong trời mưa thì đây rõ ràng là đây không phải là một lựa chọn tối ưu.
– Bật quạt gió và để chế độ lấy gió ngoài. Đây cũng làm phương án để cân bằng nhiệt độ trong/ngoài xe, tránh hiện tượng đọng nước trên kính. Tuy nhiên điểm yếu của cách làm này là hiệu quả không cao và nếu như đã có hơi nước bám trên mặt kính chắn gió hay kính hậu thì rõ ràng việc lấy gió ngoài đã là quá muộn.